E-marketing mang đầy đủ các đặc tính của một hình thức tiếp thị thông thường nhưng tận dụng tối đa các tính năng của mạng internet

Doanh nghiệp giảm nhân viên, người dùng internet ngày càng nhiều… Đó là hai trong số những cặp “phạm trù” đối lập tồn tại trong khoảng 2 năm gần đây. Tại tọa đàm giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tăng doanh số giảm chi phí thời khủng hoảng, tổ chức vào ngày 7-3 tại TPHCM,các doanh nghiệp đều cho rằng không thể chậm trễ trong việc chuyển dần từ hướng tiếp thị tận tay theo hình thức cổ điển sang tiếp thị điện tử (e-marketing).

Giảm thiểu tờ rơi

Ông Nguyễn Dzũng, trưởng đại diện phía Nam của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (thuộc Bộ Công Thương), cũng là một chủ doanh nghiệp, cho biết: “Trước đây, để phục vụ cho tiếp thị, các doanh nghiệp in rất nhiều tờ rơi, quảng cáo trên nhiều kênh truyền thông,… nhằm tạo ra những B2C (Business to Customer – doanh nghiệp và khách hàng) nhưng chi phí bỏ ra cực kỳ lớn và không quan tâm đến việc ứng dụng CNTT. Từ năm 2002, tôi đã làm rất nhiều hội thảo ở nhiều địa phương, doanh nghiệp về ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp, nhưng đa số đều không quan tâm vì không thấy lợi ích trước mắt”. Tuy nhiên, trong thời buổi khó khăn như hiện nay, theo ông Dzũng, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi những cách tiếp thị tràn lan, vận dụng CNTT để phân bố chi phí tiếp thị sao cho tiết kiệm. Đó chính là nền tảng đầu tiên để phát triển e-marketing.

Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Quốc tế Minh Quân, là một chuyên gia năng suất chất lượng, cho biết thêm: “Trong gần một năm vừa qua, công ty của tôi không in các thông tin quảng cáo trên giấy nhưng hoạt động vẫn rất tốt. Thực tế, tôi thấy ở Hàn Quốc, các doanh nghiệp đều cắt giảm việc in ấn, thay vào đó là dùng các trang web, email để tiếp thị”. Cũng với cách làm tiết kiệm chi phí này, đại diện Công ty Smart IT sau khi thiết kế tờ rơi, catalogue giới thiệu sản phẩm, công tykhông in ra giấy mà lưu thành file rồi gửi cho khách hàng qua email, đưa lên trang web để khách hàng truy cập vào xem. Không chỉ dừng lại ở việc sử dụng file hình ảnh, với thế mạnh có sẵn trong web, Smart IT còn tạo ra những đoạn video hoặc flash ngắn giới thiệu sản phẩm…

Tiềm năng tiếp thị bằng email

Có 60 – 200 khách hàng tiềm năng bằng việc tiếp thị qua email
Có 60 – 200 khách hàng tiềm năng bằng việc tiếp thị qua email

Với số lượng người dùng internet khá nhiều và tiếp tục tăng như hiện nay, cách thức tiếp thị điện tử qua email đã ở con số đáng quan tâm. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Trưởng Phòng Chăm sóc khách hàng Công ty Gophatdat.com, cho biết: “Qua 2 năm hoạt động, tỉ lệ quảng cáo qua email đã đạt 2,7% trên thế giới và 1,2% ở Việt Nam. Trong một ngày làm việc 8 giờ, một nhân viên có thể phát triển từ 60 – 200 khách hàng tiềm năng bằng việc tiếp thị qua email”.

Hạn chế chi phí in ấn mới chỉ là một cách giải cho bài toán chi phí của doanh nghiệp về mặt ứng dụng CNTT. Việc giảm chi phí cũng nằm trong vấn đề trang thiết bị về an ninh mạng, quản lý nhân sự… “Để tránh lãng phí về nhân sự, chúng tôi sử dụng phần mềm quản lý (giá từ 5 triệu đến 7 triệu đồng), đánh giá năng suất làm việc của mỗi nhân viên. Chỉ cần xem lại bảng năng suất làm việc là biết được người làm việc hiệu quả, cần thêm hoặc giảm bao nhiêu nhân sự”- ông Lương Thành Trung, đại diện một công ty cung cấp về các giải pháp CNTT, nói.

Mở đường cho thương mại điện tử. Với những lợi thế nhất định của e-marketing, việc khai thác giải pháp này là không khó, tuy nhiên ứng dụng sao cho hiệu quả thì không dễ. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam đều ngần ngại thực hiện các giao dịch trên mạng vì vướng phải các luồng suy nghĩ: Vấn đề thanh toán qua mạng và thói quen mua hàng của người tiêu dùng… rồi nhìn sang các nước khác về lĩnh vực này và tiếc nuối.

Thật sự, các rào cản này chưa là động lực để các doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử nói chung và e-marketing như ở các nước, bởi các nước trên thế giới đã phát triển mạnh về thương mại điện tử đều phải trải qua giai đoạn “mở đường” như Việt Nam hiện nay. “Phải cùng nhau bắt đầu làm thương mại điện tử để tạo lòng tin cho khách hàng, cho đối tác trong lĩnh vực này, thay vì phải đợi đến khi có lòng tin rồi mới bắt đầu”- tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa TPHCM, nhắn nhủ. Đối với những doanh nghiệp mới chập chững ứng dụng CNTT, bước chân vào thương mại điện tử, nếu sợ đi sai hướng thì hãy nhờ các chuyên gia về lĩnh vực này tư vấn.

Bài và ảnh: Võ Tiến Nam
Theo Nld.com.vn