Ngoài các tiện ích, website phải đẹp, luôn tạo sự hấp dẫn và có thông tin cho đối tác Năm 2007, Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Công nghệ thông tin (CNTT) tưởng chừng như đã đầu hàng trước sự phát triển èo uột của các website doanh nghiệp

Có đến hơn 97% doanh nhân VN không đả động gì đến TMĐT hay quảng bá hình ảnh công ty trên môi trường internet
Có đến hơn 97% doanh nhân VN không đả động gì đến TMĐT hay quảng bá hình ảnh công ty trên môi trường internet

Có đến hơn 97% doanh nhân VN không đả động gì đến TMĐT hay quảng bá hình ảnh công ty trên môi trường internet dù rằng ứng dụng này đã mang đến sự phát triển vượt bậc cho nền kinh tế thế giới. 3% công ty còn lại có website thì lại lâm vào tình trạng có… cho vui. “Ba tháng sau khi thành lập công ty, tháng 9-2003, chúng tôi đã cho ra đời trang web www.kienxinh.com nhưng mục đích thời điểm đó chỉ là quảng bá hình ảnh công ty nên cũng chưa chăm chút lắm”- ông Võ Hữu Trung, Tổng Giám đốc Công ty Kiến Xinh, chia sẻ.

Bắt mắt, tiện dụng

Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Linh, Phó cục trưởng Cục TMĐT và CNTT, chỉ trong năm 2008, số doanh nghiệp có website và tham gia TMĐT đã tăng lên gấp 10 lần, hình thức lẫn nội dung các trang web của doanh nghiệp cũng được chú trọng phát triển nhiều hơn. Trong đó, 37% doanh nghiệp đã có doanh thu qua phương tiện điện tử. Tại Kiến Xinh, thông qua trang web, lượng khách hàng tìm hiểu, giao dịch lên đến 30%. Chỉ riêng năm 2008, Kiến Xinh đã ký kết được hơn 10 hợp đồng lớn trong việc cung cấp thiết kế và thi công nội thất cho các công trình, đặc biệt là hợp đồng với các công ty nước ngoài đặt trụ sở tại VN. Để đạt được kết quả này, trang web Kiến Xinh có hai ngôn ngữ Anh-Việt. Theo ông Võ Hữu Trung, TMĐT là cầu nối trong việc giao tiếp, quảng bá với các đối tác nước ngoài, nếu không biết ngôn ngữ quốc tế, trang web cũng sẽ như người câm, huơ tay múa chân mà thông điệp truyền đi lại sứt mẻ ý nghĩa.

Ông Trung nhận định: “Muốn thu hút được người truy cập, website phải có chức năng tương tác với người tiêu dùng, cụ thể là các công cụ tư vấn, trả lời trực tuyến cho người truy cập cũng như không gian để khách hàng nêu ý kiến, góp ý…”. Bên cạnh đó, nội dung cũng phải phong phú, giao diện đẹp mắt để tạo ấn tượng tốt với khách hàng. Vì điều này mà từ khi ra đời đến nay, website Kiến Xinh đã đổi giao diện 3 lần.

Một website ứng dụng TMĐT không thể tồn tại mà thiếu đối tác. Để hỗ trợ và cùng nhau phát triển, xu hướng hiện nay là ngay trên nội dung web, các công ty thường dành cho đối tác không gian và có đường dẫn đến website của đối tác đó. “Đó cũng là cách để khách hàng có thể kiểm chứng uy tín của mình” – ông Cao Bá Phước, Phó Giám đốc Công ty Kiến Xinh, chia sẻ.

Mối đe dọa từ hacker

Trang web có uy tín, thu hút nhiều người truy cập thì đương nhiên thu hút các hacker trổ tài. Tháng 8-2008, trang www.kienxinh.com bị hacker tấn công, mất luôn quyền quản trị suốt một tháng liền. Máy chủ lại đặt tại nước ngoài nên khi sự cố xảy ra, ban quản trị trang web lâm vào thế bị động, phải chọn giải pháp là đặt máy chủ của FPT. Tuy giữ được tên miền, xây dựng lại được nội dung nhưng lượng truy cập từ hơn 2.000 người tham gia cùng lúc đã không thể giữ được. Sau khi khắc phục sự cố, thời điểm nhiều người truy cập cũng chỉ đạt hơn 100 người. Mất ba tháng sau, Kiến Xinh mới thoát được tình trạng web “ế”. Tính ra, thiệt hại vật chất còn ít hơn thiệt hại uy tín rất nhiều. “Nguyên nhân là do chưa chú trọng vấn đề bảo mật. Chúng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc về vấn đề này”- ông Võ Hữu Trung thẳng thắn nhìn nhận.

Năm 2009 sẽ là năm TMĐT VN phát triển. Phương thức thanh toán, điểm gãy của TMĐT VN đang dần được chú trọng xây dựng, nhiều đơn vị đang bắt đầu liên kết với ngân hàng để tạo thuận lợi cho giao dịch điện tử. Tuy nhiên, người mua hàng lại quá ít so với số lượng người truy cập, lướt web hiện nay. “Vấn đề vẫn đang nằm trong thói quen mua sắm phải “sờ tận tay” của người tiêu dùng”- ông Cao Bá Phước nhìn nhận.

Phương Quyên
Theo Báo NLD