1/ Mặt bằng và cây muỗng

Ở một tiệm bán bún nọ khách rất đông và hầu như lúc nào cũng quá tải. Do chế biến ngon nên mặc dù trong hẻm số lượng khách lúc nào cũng đông đúc và luôn luôn trong tình trạng khách đứng chờ cho có bàn để ngồi. Nên mỗi lần mình tới đó ăn là cứ nghe bà chủ “kể khổ” về chuyện mặt bằng; muốn kê thêm vài cái bàn ra phía trước thì bị công an phạt vì tội lấn chiếm lòng lề đường, muốn mua hai cái nhà kế cạnh thì không có tiền mua (và có thể người ta không bán), muốn để bàn trên lầu thì không có chỗ ngủ nghỉ… Thế có phải là bài toán nan giải?

Cũng không hẳn! Chắc có lẽ là nhiều người cũng khó chịu với cái việc nhỏ như thế này mà không ai lên tiếng, hoặc có người lên tiếng nhưng bà chủ không chịu nghe. Đó là cây muỗng và đôi đũa, một loại muỗng nhỏ hơn bình thường cho nên số lượng thức ăn (có thể bún hay nước) đưa lên miệng nó ít, còn loại đũa nhựa cứ khiến bún trơn tuột, phải thực hiện nhiều lần mới đưa được cái cần phải đưa lên miệng, điều đó cũng gây cảm giác không thoải mái cho khách hàng.

quan-pho

Nhưng quan trọng ở đây mình muốn nói đến là thời gian. Thí dụ trung bình một người bắt đầu ăn và kết thúc là 10 phút, nếu tạo điều kiện “thuận lợi” hơn thì có thể họ kết thúc sớm hơn, có thể mất 7 phút cho một tô bún. Và mỗi người kết thúc sớm hơn vài phút thì bàn ghế sẽ có chỗ sớm hơn, diện tích sẽ “nhiều” hơn. Kinh doanh thuận lợi hơn !

2/ Ý tưởng hay là cái tôi?

Một lần đọc báo tờ, thấy viết bài về một anh chàng du học sinh ở Singapore về nước khởi nghiệp, mặc dù chỉ mới 22 tuổi nhưng có những ý tưởng rất táo bạo, ý tưởng độc đáo đến nỗi đã thu hút được nhà đầu tư rót cho 7 tỉ để … mở quán cà phê. Đọc qua bài báo thì hiểu rõ đó là chiêu đánh bóng để quảng cáo cho cái quán đình đám này chuẩn bị khai trương. Thôi thì với bản tính ham tìm tòi và học hỏi nên một thời gian sau mình có tới đó để tham quan và coi cho biết cái độc đáo ở chỗ nào.

Hôm đó không đông khắch lắm, ngồi quan sát và cảm thấy không ổn tí nào, nên nói nhỏ với thằng bạn: Quán này chắc có thể đóng cửa sớm. Thằng bạn bảo em thấy bình thường mà, thế là mình mới chỉ ra vài cái cảm nhận ban đầu:

Sàn của tầng một làm bằng kiếng, cho nên các cô gái mặc váy hay đầm có đi đứng hoặc ngồi thì nếu khách hàng ở tầng trệt ngước lên thì sẽ xảy ra sự cố “lộ hàng”.

Cái thứ hai là nó quá ngột ngạt, bản thân cái quán nó không có sinh khí để thở rồi mà lại làm thêm một mô hình chiếc máy bay rồi để bàn ghế trong đó. Cái tiếp theo là nhân viên phục vụ quá tệ, họ sai nạnh nhau nên cứ đi tới đi lui nhưng làm không được việc…

Sau này quán đó bán lại cho một tập đoàn máy tính. Tuổi trẻ có tài là một chuyện nhưng cũng phải biết lắng nghe và tìm hiểu coi khách hàng cần cái gì chứ không phải là mình muốn gì!

3/ Muốn làm gì phải hiểu rỏ bản chất?

Một cái shop chuẩn bị khai trương bán cái walkman (máy nghe nhạc) khu tây ba lô quận 1, dĩ nhiên là mình không dám cản họ vì công việc của người ta mà mình thì không quen người chủ đó, lúc đó công ty mình cách đó một căn nên biết rất rõ việc kinh doanh đó sẽ thất bại. Phân tích cho thằng bạn nghe nó cũng không tin, nó bảo sẽ bán được còn mình thì nói không. Lý do nó đưa ra bán được là vì ở khu vực này đông người đi qua đi lại, còn mình phân tích cho nó nghe lý do bán không được như sau:

– Máy móc qua Việt Nam đã bị đánh thuế nên giá sẽ cao hơn bên đó, hoặc là một số bạn bên đó mua trả góp, chỉ cần bỏ ra một số tiền ít ỏi là sẽ có một cái máy nghe sau đó trả góp lần lần (một số nước chứ không phải là tất cả)

– Khi qua Việt Nam du lịch hầu như ai cũng đem theo ít nhất là một cái nên nhu cầu mua gần như không có.

– Qua Việt Nam tìm hiểu khám phá thưởng thức du ngoạn chứ không phải để… nghe nhạc

– Tây ba lô rất là “kẹo” cho nên vấn đề mua sắm họ tính toán rất kỹ, những mặt hàng không cần thiết hay giá mắc thì không bao giờ họ mua.

– Người ta nói buôn có bạn bán có phường, cho nên khách Việt Nam ra khu này phần lớn là tìm hiểu và mua tour du lịch chứ không ai có nhu cầu mua máy, nếu muốn mua họ sẽ tới những trung tâm, những con đường nổi tiếng có nhiều shop bán loại hàng hóa này…

Mặc bằng lúc đó họ thuê 8 triệu một tháng (hợp đồng 1 năm, trả tiền cọc trước ba tháng là 24 triệu) họ mướn hai nhân viên, một bạn trả 2 triệu một tháng (giá của năm 2007) tính tiền nhà, tiền nhân viên, tiền thuế, điện nước và chi phí phát sinh lặt vặt khác là 15 triệu một tháng. Họ bán 6 tháng chỉ được duy nhất… 1 cái, đúng ra là chủ nhà lấy hết tiền đặt cọc vì hợp đồng mới một năm, nhưng bà chủ tốt bụng thấy tội nghiệp quá nên kiu trả hết lại 24 triệu tiền cọc. Coi như sau 6 tháng họ lỗ khoản 90 triệu.

4/ Khách hàng – ông là ai?

Câu chuyện cuối cùng là một cái shop mới khai trương khoảng chừng 2 tháng và hiện giờ cũng còn đang hoạt động. Theo mình shop đó giỏi lắm tồn tại chừng một năm là phá sản, chủ là một siêu mẫu có tiếng trong làng thời trang.

– Đoạn đường đó một chiều không thuận lợi lắm.

– Đối tượng khách hàng nhiều tiền thì họ có thể đi du lịch lòng vòng các nước Châu Á và mua bên đó vì bên đó rẻ hơn, thí dụ có mắc hơn thì cũng là hàng độc.

– Khách hàng trung lưu hay ít tiền thì cũng không ghé đó mua vì giá nó mắc hơn nhiều so với các shop khác.

– Dựa vào sự nổi tiếng cũng không đúng, vì chủ nhân có bao giờ đứng đó bán hàng đâu mà khách tới đó sẽ gặp.

– Dựa vào mối quan hệ bạn bè cũng chưa chắc, trong những ngành có tính cạnh tranh cao thì chưa chắc mối quan hệ “ngầm” nó tốt hay xấu mà người ta tới mua để ủng hộ….

Điều cuối cùng mình muốn nói là: Khi kinh doanh bạn phải hiểu thật rõ bạn đang làm cái gì, khách hàng là ai và họ từ đâu tới?

Kenny_ila – Vnexpress

Ý kiến bạn đọc

Đồng ý với tác giả

Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả bài viết này. Về “ý tưởng” chiếc đũa và cái muỗng, tôi đã thấy sự việc này từ lâu lắm rồi.

Các bạn thử đi một vòng các quán phở xem sao, đa số các quán dùng loại muỗng rất trẹt, cho nên khiến người dùng phở phải mất rất nhiều thời gian để húp (cũng như người nào có thói quen bỏ bánh phở vô muổng trước khi cho vô miệng). Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao không thay loại muỗng khác giống loại múc canh như nhiều nhà hàng phở ở Mỹ đã làm cho đỡ tốn thời gian của khách hàng, cũng như về phần chủ quán không bị kẹt bàn?

Về cung cách phục vụ trong quán ăn, cafe thì ở VN tôi thấy rất dở. Rất đông nhân viên, mà trong khi phục vụ lại rất chậm chạp, không được huấn luyện bài bản. Tôi còn nhớ khi còn rất nhỏ, mẹ tôi có chỉ dạy tôi rằng (nhà cũng có quán ăn): Một người phục vụ giỏi, là một người không nên nhìn trực tiếp khách hàng (khi họ chưa cần giup đở, vì làm vậy sẽ khiến họ không được tự nhiên trong việc ăn uống, nói chuyện với đối tác).

Nhưng phải biết ngay khi họ cần mình điều gì (Tức là lúc nào cũng phải để mắt một cách gián tiếp đến họ). Đằng này, thì ngược lại, tôi thấy rất nhiều khách hàng phải la ơi ới khi cần sự giúp đỡ, trong khi nhân viên phục vụ lại quá dư thừa đi qua đi lại, mà chẳng có việc gì quan trọng cho lắm!!!

Nói chung. Đúng như tác giả đã nói, muốn thành công thì phải hiểu đối tượng mình phục vụ cần gì, chứ không phải theo suy nghĩ một cách quán tính được. Nhưng tiếc cái là rất nhiều doanh nghiệp phục vụ không hiểu như vậy. Cho nên phải đối mặt với : “tưng bừng khai trương và âm thầm dẹp tiệm” là chuyện đương nhiên phải xãy ra mà thôi. Đành rằng có một số cửa hàng kinh doanh đã “may mắn” thành công, khi mà họ chẳng quan tâm những điều đó, nhưng đó chỉ là một thiểu số nhỏ trong đa số bị thất bại.

(Larry Tran)

Tiệm cơm, bát đũa quá bẩn

Một tiệm cơm miền Trung cũng khá nổi ở Sài Gòn, dạo trước mình cũng hay đi ăn. Nhưng gần đây do quán quá đông nên phục vụ ngày càng dở. Chén bát dơ dáy, đũa có bữa còn dính nguyên cơm. Mấy lần đi ăn mình phải mang khăn giấy đi dự phòng. Nhưng tưởng là 1-2 lần, ai dè lần nào cũng bẩn vậy.

Vì thế ngon đến mấy mình cũng nói lời tạm biệt.

Kinh doanh là vậy đó, chỉ cần lỗi nhỏ cũng mất khách như chơi. Cảm ơn chủ diễn đàn này nhé, bạn đã nêu những vấn đề rất thực tế trong kinh doanh ở VN hiện nay

(Thủy Tiên)

Mình Nghĩ Khác :))

Chào Kenny,

Mình có 1 số suy nghĩ như sau nhé :

1/ Mặt bằng quá nhỏ, quán lại quá đông, người lại ăn đông, họ phải xếp thành hàng dài để chờ có bàn đến lượt mình, đó chính là chiêu bài của người chủ quán, họ than vãn với khách hàng về những vấn đề mà ai – cũng biết là vấn đề gì đó, nhưng họ có khả năng mở rộng họ cũng sẽ không làm, quán nhỏ, trong hẻm, người xếp hàng dài chờ ghế, sẽ gây ra 1 sự tò mò thích thú, ai cũng sẽ muốn nếm thử, tay nghề đầu bếp tất nhiên là ngon (hoặc có khi cũng trung bình) ,1 đồn 10,10 đồn 100, như thế tuy quán nhỏ, nhưng lượng khách ngày kéo tới 1 đông, khách tới vì tò mò, nhưng sẽ quay lại thích thú……họ rất thành công……nhưng nếu họ mở to ra, thì sẽ không còn hiện tượng chờ đợi, xếp hàng, sẽ giống như mọi quán khác, ko có gì khác biệt…..đó chính là họ đã áp dụng bí quyết ” mầm đá” của Trạng Quỳnh.

Còn về vấn đề cái muỗng và đôi đũa, tôi lại nghĩ đơn giản rằng họ dùng đũa nhựa vì lý do vệ sinh an toàn thực phẩm thôi, ai cũng biết là sẽ khó ăn hơn, chủ quán cũng thế, nhưng như vậy sẽ sạch sẽ hơn.

2/ Vấn đề quán cafe, tôi cũng biết quán này, tuy nay đã không còn, nhưng phải nói, họ đã rất thành công vào thời điểm khi đó, ai cũng muốn tới đó xem như thế nào ,và họ thất bại không phải vì kinh doanh cafe thất bại, mà do họ muốn mở rộng ra, kinh doanh thêm rất nhiều thứ…nhưng vì chưa có kinh nghiệm và sự chuẩn bị nhiều nên cái gì tới đã tới …

3/ Vấn đề này cũng giống như quán cafe ở trên, do ko có kinh nghiệm, cũng như tìm hiểu thị trường,cũng như sự chuẩn bị tốt… cái gì tới đã tới….

4/ Có những nơi rất xa, rất khó tìm, nhưng nếu yêu thích bạn vẫn có thể tới đó, tôi cũng là 1 tín đồ thời trang, nên những con đường 1 chiều sẽ ko thành vấn đề lắm, tôi biết bạn đang đề cập đến NTMK, nhưng con đường mà nhiều bạn trẻ vẫn hay đi mua sắm là NĐC-Q3 cũng 1 chiều và lúc nào cũng tấp nập.

_ Nhiều người họ co rất nhiều tiền, nhưng bù lại, họ lại không có thời gian đi du lịch, mà họ vẫn muốn mặc những bộ đồ giá trị, thời trang…. lựa chọn đồ ở 1 shop của siêu mẫu là thích hợp nhất, họ có con mắt thời trang, hàng hóa độc…g iá cao cũng ko là vấn đề lắm.

_ Khi mở shop,họ đã nhắm đến khách hàng mục tiêu của shop mình rồi, nên những khách hàng trung lưu hay ít tiền sẽ có những shop khác nhắm đến họ và họ sẽ có những lựa chọn chính xác dành riêng cho họ.

_ Khi mở shop tất nhiên mối quan hệ tốt thì sẽ có nhiều khách, nhưng ko ai mở shop chỉ nhắm tới bạn bè của mình bao giờ 🙂

_ Chưa biết là thành công hay thất bại, nhưng họ đã có hướng đi riêng, con đường riêng mà họ theo đuổi.

Kết :

Theo tôi tất cả mọi thứ không thể suôn sẻ ngay từ đầu được, thất bại là mẹ của thành công, họ dám làm, thành công hay thất bại chưa biết được, nhưng họ đã rút được những kinh nghiệm mà không phải ai muốn cũng có thể có được.

Biết đâu trên đường đời tấp nập này, bạn vô tình gặp lại những người thất bại đó với những thành công lớn hơn rất nhiều lần…..

Chúc vui

( Leo )

NHỮNG CÂU CHUYỆN KINH DOANH

Chào Kenny ,

Mình thấy các bạn có nhiều ý kiến rất hay song theo mình thì bạn Leo đã tìm ra những cái gì SPECIAL nhất mà những nơi đó có , cũng có thể bạn Leo đã nhìn nhận những điều ấy là special cho riêng mình . Tuy nhiên những điều bạn Leo nói thì như là một sự may mắn trong kinh doanh . Thật vậy , tôi đồng tình ý kiến của những bạn khác hơn . Và tôi đồng tình với bạn Leo vài điểm như là ra kinh doanh do không có kinh nghiệm , tìm hiểu kỹ thị trường , sự chuẩn bị tốt … cái gì tới đã tới và những người ra kinh doanh tuy chưa thành công nhưng thật sự can đảm , dám đối đầu với rủi ro và thất bại thì đó là một điều tốt .

( HONG LAM )

kinh doanh cần phải có cái tâm và cái đầu

Theo Tôi, kinh doanh cần có cái tâm và cái đầu, cái tâm ở đây không những ám chỉ buôn bán thật thà, mà còn là những hành động thân thiện cởi mở, chu đáo với khách hàng, vì khách hàng là người mình cần, người mang tiền đến cho mình …., nếu anh không đặt mình vào vị trí khách hàng thì anh đừng nên kinh doanh, vì như vậy sẽ rất nguy hiểm, anh sẽ thất bại, hoặc nếu thành công cũng sẽ không có một nền móng vững chắc. đó là là lẽ đơn nhiên.

(wonminh)

Căn bệnh chung

Tôi cũng rất đồng ý với tác giả, có lẽ đây đang là căn bệnh chung cho các doanh nghiệp VN, hầu hết đều không có tính chiến lược lâu dài, làm theo kiểu chụp giật, có lẽ còn phải bị cạnh tranh nhiều nữa của các doanh nghiệp nước ngoài, khi đó mới thấy được cái căn bản cần thay đổi là gì.

(Tran Van DUng)

Bài viết phân tích chủ quan

Chào Kenny…

Mình thấy bài viết của bạn phân tích quá chủ quan. Thực sự bài viết của bạn chỉ có một vài ý đúng.

Mình đồng quan điểm với ý kiến của bạn “Leo”. Mình khuyên Kenny cũng nên kinh doanh thử đi thì bài viết mới sâu sắc, mới có ích hơn. Hãy thử nhẩy vào kinh doanh thử bạn mới thấy nó phức tạp như thế nào.

Mình rất phục những người dám nghĩ, dám làm trong những ví dụ bạn nêu ở trên. Nhưng mình lại thấy rất buồn cho cách viết của bạn, có vẻ hơi mỉa mai.

Thân chào!

(Nguyen Manh Hung)