Website phải có đặc thù riêng
Website phải có đặc thù riêng

Khi tham gia thương mại điện tử, phải nắm được đặc thù sản phẩm mới có thể chọn được cách liên kết tốt nhất với khách hàng qua web

Nếu biến động và sự suy thoái của nền kinh tế trong năm 2008 khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng thì các cơ quan xúc tiến thương mại điện tử (TMĐT) vẫn tỏ ra lạc quan. Ông Nguyễn Thanh Hưng, Cục trưởng Cục TMĐT- Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Công Thương, lý giải: Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng sẽ phải chú ý đến TMĐT bởi tiện ích này giúp họ có thể tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại… “Năm 2009 sẽ là giai đoạn TMĐT phát triển đột phá”- ông Hưng nhận định.

 

Kênh thông tin thị trường

Tuy nhiên, ở góc độ người trong cuộc, ông Nguyễn Bắc Sơn, Giám đốc marketing Công ty Cổ phần Điện Quang, cho biết việc ứng dụng TMĐT hiện nay không dễ dàng. Đơn cử như trường hợp của trang www.dienquang.com, tuy đã đầu tư tất cả cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để đẩy mạnh giao thương qua mạng nhưng đến hiện nay, kế hoạch này vẫn chưa thể hoàn thành. Lý do đơn giản chỉ vì sản phẩm của Điện Quang là bóng đèn, chưa phải là sản phẩm hoàn chỉnh, mua về dùng ngay được. “Đặc thù sản phẩm quyết định rất nhiều đến việc có thể tham gia và tham gia tốt TMĐT hay không”- ông Sơn cho biết.

Biết không thể chinh phục khách hàng mua lẻ sản phẩm bằng TMĐT, nhưng không thể bỏ trống tiện ích hữu hiệu này, Điện Quang quyết định đầu tư website với 3 ngôn ngữ Anh, Việt, Tây Ban Nha nhằm giao tiếp với khách hàng tiềm năng là các công ty nước ngoài, nhất là ở khu vực Nam Mỹ. Với khách hàng trong nước, website của công ty chỉ cố gắng cập nhật các thông tin, hình ảnh… đáp ứng được vai trò là kênh thông tin cho thị trường. Biết chọn lọc hình ảnh và thiết kế giao diện tốt, tuy lượng thông tin trên www.dienquang.com chỉ gói gọn trong những tin tức liên quan đến công ty nhưng lượng truy cập vẫn hơn 1.000 lượt/ngày. Ông Sơn tự hào: “Website là bản sắc của công ty nên chúng tôi rất chăm chút”.

“Nhờ đầu tư vào website mà công ty còn nhận được rất nhiều phản hồi, góp ý từ khách hàng nên việc điều chỉnh các hoạt động cũng tốt hơn” – ông Sơn tiết lộ. Mới đây, công ty còn đầu tư thêm trang www.pr24h.com, liên kết trực tiếp với trang chủ để khơi nguồn thêm cơ hội kinh doanh với người tiêu dùng qua môi trường internet.

Thiếu nguồn nhân lực có kiến thức chuyên ngành

Đón đầu được sự phát triển của TMĐT, trong năm 2009, Điện Quang cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu hướng liên kết với khách hàng. “Chúng tôi chỉ có 2 chuyên viên CNTT nên vấn đề phát triển cũng khó khăn, phải đầu tư thêm nhân lực” – ông Nguyễn Tiến Minh, phụ trách CNTT của Điện Quang, chia sẻ. Ông cho biết thêm, vấn đề nan giải khi tham gia TMĐT hiện nay của các công ty là khó có thể tuyển dụng được đội ngũ nhân viên có kiến thức sâu về TMĐT, thường là phải đào tạo lại, rất mất thời gian.

Đây cũng là điểm gút mắc của TMĐT nước ta. Kết quả khảo sát 108 trường ĐH, CĐ trên cả nước, chỉ có 49 trường triển khai hoạt động đào tạo chuyên ngành TMĐT. “Hầu hết các trường có đào tạo TMĐT thì lại chưa có giáo trình khung, có sự khác biệt giữa đào tạo của các trường”- ông Dương Hoàng Minh, Phó cục trưởng Cục TMĐT và CNTT – Bộ Công Thương, nhận định.

Vì điều này là khi tiếp xúc với thực tiễn công việc, xây dựng và điều hành các website TMĐT hiện nay, sản phẩm của đội ngũ chưa được đào tạo đúng bài bản về TMĐT ấy là những website thương mại chưa hoàn chỉnh. Hầu hết các website TMĐT hiện nay đều mô tả khá rõ ràng về hàng hóa, dịch vụ cung cấp, giá sản phẩm… nhưng theo số liệu thống kê của Cục TMĐT và CNTT, có đến 46% trang web không công bố bất kỳ một điều khoản giao dịch nào dù đây là yêu cầu cơ bản trong việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp và khách hàng.

Đã có một môi trường tốt, đã có tín hiệu tích cực từ thị trường nhưng đáng tiếc, bước đầu tiên là đào tạo nhân lực cho TMĐT vẫn chưa được chú trọng. Hoàn tất tốt bước chuẩn bị nền tảng này, chắc chắn, cơ hội để TMĐT VN phát triển sẽ còn cao hơn nữa trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Phương Quyên
Theo Báo NLD